Hiển thị các bài đăng có nhãn sứ quán Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn sứ quán Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Từ cửa kính đến lô cốt: Gương mặt của các sứ quán Mỹ (Phần 2)

Để tạo ra những "chiến binh kiến trúc" này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã vời những kiến trúc sư danh giá nhất. Edward Durrell Stone cho toà đại sứ ở New Delhi, Wallace K. Harrison và Max Abramowitz phụ trách công trình ở Rio de Janeiro, Eero Saarinen làm tác giả cho toà công sở ở London.

Đại sứ quán Mỹ ở Hy Lạp được trao vào tay Walter Gropius, cựu giám đốc trường kiến trúc Bauhaus (trường dạy nghệ thuật và kiến trúc ở Đức, lập năm 1919, đã làm cuộc cách mạng trong phương pháp giảng dạy nghệ thuật. Nổi danh với tư tưởng cho rằng kiến trúc không chỉ phản ánh mà còn có thể cải tiến xã hội - người dịch). Thiết kế mà ông đưa ra mang dấu ấn của Parthenon (một đền thờ nổi tiếng ở Athens, xây dựng năm 447-442 trước CN, mang đậm phong cách kiến trúc Hy Lạp). Ông đặt một dãy cột cẩm thạch mảnh khảnh bao quanh lòng toà nhà có tường lợp kính, kết hợp giữa đặc trưng kiến trúc cột Hy Lạp với các bức tường kính kiểu Mỹ, hai hình ảnh tượng trưng cho dân chủ.

Thời Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh Việt nam, các cơ quan đại diện ngoại giao của Washington là mục tiêu tấn công của những người chống Mỹ. Được xây dựng trong bối cảnh đương đầu với mối nguy hiểm lớn nhất là bị do thám, các toà nhà thường được thiết kế và trang bị để chống camera gián điệp hoặc những con rệp nguỵ trang, mà không chú trọng đến các nguy cơ từ đánh bom hoặc bạo động.

Vì vậy, Washington đã kinh hoảng khi toà đại sứ tại Tehran bị chiếm năm 1979, sứ quán ở Libăng nổ tung vì bom năm 1983 (khiến 63 người chết). Năm 1985, Bộ Ngoại giao thành lập một uỷ ban chuyên trách soạn thảo những quy định mới về xây dựng sứ quán.

Những bức tường kính là thứ bị loại đầu tiên. Không gian cửa sổ bị hạn chế ở mức 15% bề mặt công trình. Hai quy tắc quan trọng khác là: tòa nhà phải cách mặt đường tối thiểu 30 m và tọa lạc trong khuôn viên có diện tích ít nhất 60.000 m2. Trước kia, Bộ Ngoại giao yêu cầu sứ quán phải tiếp giáp với đường phố - nhân tố chính trong sách lược giới thiệu nền văn hoá Mỹ với thế giới.

Tuân thủ các quy định mới đồng nghĩa với việc phải tốn rất nhiều tiền để mua các khu đất ở trung tâm đô thị. Một khi bị dời ra ngoại ô, vai trò của mỗi sứ quán như là một toà công sở dân sự bị phá vỡ. Jane C. Loeffler, tác giả cuốn "Kiến trúc ngoại giao: Xây dựng các sứ quán Mỹ", nói: "Người ta chỉ có thể tạo ra công trình kiến trúc dân sự trong một bối cảnh dân sự".

Nhưng ngay cả những quy định mới cũng không ngăn được các vụ đánh bom năm 1998, phá huỷ gần như đồng thời hai sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Kể từ đó, các trụ sở đại diện ngoại giao của Washington đều khép kín mình lại, trang bị "giáp sắt" để chuẩn bị đương đầu với tình huống xấu nhất. Từ Uganda tới Chile, Litva, tại các toà đại sứ Mỹ xuất hiện những "thiết kế chống nổ", đảm bảo rằng chúng có thể chịu đựng và đứng vững trước những vụ tấn công bằng bom.

Thật khó mà xây dựng những cao ốc vừa mang tính hướng ngoại và minh bạch, vừa an toàn. Washington đã cố gắng thử mô hình mới ở Canada và Đức, với những kết quả khác nhau. Tại Ottawa, kiến trúc sư David M. Childs của Owings & Merrill đã thiết kế một toà nhà với các bức tường kính (hay ngày nay còn gọi là vách kính), một sự lặp lại các công trình lấp lánh trước kia. Tuy nhiên, ẩn kín sau nó là một bức tường bêtông đủ khả năng chịu sức công phá của bom. Toà nhà trông thanh lịch, nhưng hình ảnh cởi mở của nó chỉ là cái vỏ tưởng tượng - một chiếc mặt nạ mến khách được trưng bên ngoài tấm áo giáp sắt phòng thủ.

Tại Berlin, kiểu kiến trúc như vậy khó có thể áp dụng cho toà đại sứ Mỹ, bỏi nó nằm ngay trên đại lộ Pariser Platz, gần cổng Brandenburg - biểu tượng trung tâm của Chiến tranh Lạnh. Trên khu đất có giá cao ngất trời và mới thoát khỏi những bức tường bêtông này, không thể dựng lên một công trình kiến trúc nặng nề và buồn tẻ. Thấu hiểu điều đó, Ngoại trưởng Colin L. Powell đã cho phép bỏ qua một số nguyên tắc an ninh, để dựng lên một toà công sở tôn trọng môi trường kiến trúc cổ điển của Berlin. Được thiết kế bởi Moore, Ruble, Yudell, toà nhà có vẻ ngoài giống các biệt thự ở đô thị, với những mái đua lớn, một tiền sảnh và sân vườn. Hình thức và quy mô của sứ quán đều lấy ý tưởng từ lối kiến trúc tân cổ điển của Cổng Brandenburg. Nhưng, cũng giống như ở Ottawa, nỗi sợ vẫn là điều ám ảnh. An ninh cho sứ quán ở Berlin không nằm trong những bức tường, mà thể hiện ở xung quanh toà nhà - những hàng cọc bêtông, phố xá cấm người qua lại và lực lượng bảo vệ đông đảo. Toà đại sứ có đầy đủ đặc điểm của một công sở, trừ công chúng.

Người Mỹ chấp nhận những thay đổi kể trên bởi chúng được thực hiện ở nước ngoài. Tình hình lại khác hẳn đối với các toà nhà là trung tâm đời sống chính trị nước Mỹ. Trụ sở Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol đang được tu sửa để xây thêm một khu liên hợp khổng lồ dưới lòng đất. Tâm điểm của khu vực mới này là một sảnh lớn có mái kính trong suốt, dành riêng cho du khách. Một công trình tương tự ở Washington Monument cũng đang được lên kế hoạch. Khách tham quan sẽ đi vào một đường hầm tràn ngập ánh mặt trời.

Mỗi con người đều giao tiếp với thế giới theo cách vừa chủ động vừa vô thức, qua ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ hình thể. Các toà nhà cũng thế. Người ta cảm thấy dễ chịu trong một môi trường cởi mở và thân thiện, và e ngại trong những bối cảnh có nhiều yếu tố gây bất an. Sự thay đổi kiến trúc các toà đại sứ Mỹ thể hiện sự thay đổi của môi trường mà trong đó chúng hiện diện.

Tại New York, người ta đang định dựng một toà cao ốc sừng sững trên khu đất còn lại sau vụ tấn công 11/9. Trong khi những toà tháp của thành phố này tiếp tục phô diễn vẻ oai vệ của mình, thì những công trình kiến trúc quan trọng của Mỹ ở nước ngoài và thủ đô Washington không xây dựng cho mình vẻ ngoài như thế.
Xem phần 1
Thi công nhôm kính Toàn Cầu (Theo NYT)

Từ cửa kính đến lô cốt: Gương mặt của các sứ quán Mỹ (Phần 1)

Toà nhà đại diện ngoại giao Washington ở Kenya, mới mở cửa đầu năm nay, dường như đã cố để khỏi giống một boongke. Tuy nhiên, nó vẫn được đặt giữa hàng rào mắt cáo 4 lớp đặc biệt. Trông tòa đại sứ giống một hộp cáctông trắng hoàn hảo, với những chi tiết sắc như dao cạo.

Các ô cửa sổ tối màu, lút sâu vào tường đến mức trông như là cửa vẽ. Chiếc cổng vòm ngộ nghĩnh toạ trên lối vào điểm một nét thanh lịch hình học. Thế nhưng, một lô cốt với hàng rào thép gai cùng cái cổng vòm vẫn cứ là một lô cốt: dưới mái vòm là một cánh cổng thép có thể đóng sập cực nhanh.

Những người thiết kế toà nhà này đã rút ra bài học từ kiến trúc của toà đại sứ cũ, bị phá sập năm 1998 khi một xe bom xông thẳng vào cổng sau và kích khối thuốc nổ. Thủ phạm đánh bom người Kenya sau đó đã nói với các điều tra viên FBI rằng "đó là một mục tiêu ngon ăn".

Edward Durrell Stone, tác giả công trình sứ quán Mỹ tại New Delhi, được ca ngợi là đã xây nên một kiến trúc Mỹ độc đáo, lấy ý tưởng từ một thành ngữ Ấn.

Sứ quán cũ nhìn ra một đại lộ tấp nập ở trung tâm thủ đô Nairobi, nhưng toà nhà ngoại giao mới lại toạ lạc ở tít ngoại ô. Theo quy định mới của chính phủ Mỹ, sứ quán phải cách mặt đường ít nhất 30 m. Toà nhà có những bức tường bê tông dày tới gần 2 m, cách biệt và được canh gác cẩn mật này là điển hình cho nghệ thuật kiến trúc của các sứ quán Mỹ hiện nay.

Điều không ai phủ nhận là đại sứ quán chỉ là một toà công sở, nơi tiến hành các thủ tục cấp thị thực và cấp lại hộ chiếu bị mất. Nhưng nó cũng là sự thể hiện một cách vật chất nước Mỹ, những thứ hữu hình như tường, cửa sổ, mái nhà thể hiện những thứ vô hình - bản sắc, tính cách và khát vọng quốc gia. Nó là hiện thân của nước Mỹ - và những kẻ tấn công sứ quán Mỹ ở Liberia tuần trước hiểu rất rõ điều đó.

Mỗi toà nhà đại diện ngoại giao có thể nói với thế giới về sự tự do, cởi mở, niềm tin và thịnh vượng của nước Mỹ, hoặc, như trong trường hợp Kenya, về nỗi sợ của nước Mỹ. Mỗi khi sứ quán thay đổi, gương mặt của nước Mỹ trước thế giới cũng thay đổi.

Thời kỳ sau Thế chiến II, các toà đại sứ Mỹ thể hiện điểm cực thịnh của xu hướng kiến trúc trong suốt. Hai tư tưởng xuyên suốt - kiến trúc hiện đại và Chiến tranh Lạnh - tạo ra những kết quả đầy ấn tượng.

Sứ quán Mỹ tại Anh, thiết kế của kiến trúc sư Eero Saarinen.

Làn sóng kiến trúc hiện đại đạt đỉnh cao vào thập kỷ 50, đề cao sự rõ ràng trong hình thức, cấu trúc và không gian. Yếu tố chính trong các công trình thời này là những bức tường kính, giúp ngăn cách mà không đóng kín không gian.

Những năm 1950 cũng là thời gay gắt nhất của Chiến tranh Lạnh, và cuộc chiến thể hiện ở cả lĩnh vực ngoại giao lẫn văn hoá. Ở những toà đại sứ Mỹ thời kỳ này, mối gắn kết giữa chính trị với kiến trúc thể hiện ở sự chú trọng sử dụng các bức tường kính. Sự rộng mở và thấu suốt của kính là một ẩn dụ lý tưởng cho nước Mỹ khi đó, đặc biệt khi đem so sánh trong sự tương phản với những khối công sở buồn tẻ và nặng nề. Hệ thống các sứ quán Mỹ trên toàn cầu được đặc trưng bởi những tấm kính, đối địch với Lá chắn thép (biểu tượng Chiến tranh Lạnh).