Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Từ cửa kính đến lô cốt: Gương mặt của các sứ quán Mỹ (Phần 1)

Toà nhà đại diện ngoại giao Washington ở Kenya, mới mở cửa đầu năm nay, dường như đã cố để khỏi giống một boongke. Tuy nhiên, nó vẫn được đặt giữa hàng rào mắt cáo 4 lớp đặc biệt. Trông tòa đại sứ giống một hộp cáctông trắng hoàn hảo, với những chi tiết sắc như dao cạo.

Các ô cửa sổ tối màu, lút sâu vào tường đến mức trông như là cửa vẽ. Chiếc cổng vòm ngộ nghĩnh toạ trên lối vào điểm một nét thanh lịch hình học. Thế nhưng, một lô cốt với hàng rào thép gai cùng cái cổng vòm vẫn cứ là một lô cốt: dưới mái vòm là một cánh cổng thép có thể đóng sập cực nhanh.

Những người thiết kế toà nhà này đã rút ra bài học từ kiến trúc của toà đại sứ cũ, bị phá sập năm 1998 khi một xe bom xông thẳng vào cổng sau và kích khối thuốc nổ. Thủ phạm đánh bom người Kenya sau đó đã nói với các điều tra viên FBI rằng "đó là một mục tiêu ngon ăn".

Edward Durrell Stone, tác giả công trình sứ quán Mỹ tại New Delhi, được ca ngợi là đã xây nên một kiến trúc Mỹ độc đáo, lấy ý tưởng từ một thành ngữ Ấn.

Sứ quán cũ nhìn ra một đại lộ tấp nập ở trung tâm thủ đô Nairobi, nhưng toà nhà ngoại giao mới lại toạ lạc ở tít ngoại ô. Theo quy định mới của chính phủ Mỹ, sứ quán phải cách mặt đường ít nhất 30 m. Toà nhà có những bức tường bê tông dày tới gần 2 m, cách biệt và được canh gác cẩn mật này là điển hình cho nghệ thuật kiến trúc của các sứ quán Mỹ hiện nay.

Điều không ai phủ nhận là đại sứ quán chỉ là một toà công sở, nơi tiến hành các thủ tục cấp thị thực và cấp lại hộ chiếu bị mất. Nhưng nó cũng là sự thể hiện một cách vật chất nước Mỹ, những thứ hữu hình như tường, cửa sổ, mái nhà thể hiện những thứ vô hình - bản sắc, tính cách và khát vọng quốc gia. Nó là hiện thân của nước Mỹ - và những kẻ tấn công sứ quán Mỹ ở Liberia tuần trước hiểu rất rõ điều đó.

Mỗi toà nhà đại diện ngoại giao có thể nói với thế giới về sự tự do, cởi mở, niềm tin và thịnh vượng của nước Mỹ, hoặc, như trong trường hợp Kenya, về nỗi sợ của nước Mỹ. Mỗi khi sứ quán thay đổi, gương mặt của nước Mỹ trước thế giới cũng thay đổi.

Thời kỳ sau Thế chiến II, các toà đại sứ Mỹ thể hiện điểm cực thịnh của xu hướng kiến trúc trong suốt. Hai tư tưởng xuyên suốt - kiến trúc hiện đại và Chiến tranh Lạnh - tạo ra những kết quả đầy ấn tượng.

Sứ quán Mỹ tại Anh, thiết kế của kiến trúc sư Eero Saarinen.

Làn sóng kiến trúc hiện đại đạt đỉnh cao vào thập kỷ 50, đề cao sự rõ ràng trong hình thức, cấu trúc và không gian. Yếu tố chính trong các công trình thời này là những bức tường kính, giúp ngăn cách mà không đóng kín không gian.

Những năm 1950 cũng là thời gay gắt nhất của Chiến tranh Lạnh, và cuộc chiến thể hiện ở cả lĩnh vực ngoại giao lẫn văn hoá. Ở những toà đại sứ Mỹ thời kỳ này, mối gắn kết giữa chính trị với kiến trúc thể hiện ở sự chú trọng sử dụng các bức tường kính. Sự rộng mở và thấu suốt của kính là một ẩn dụ lý tưởng cho nước Mỹ khi đó, đặc biệt khi đem so sánh trong sự tương phản với những khối công sở buồn tẻ và nặng nề. Hệ thống các sứ quán Mỹ trên toàn cầu được đặc trưng bởi những tấm kính, đối địch với Lá chắn thép (biểu tượng Chiến tranh Lạnh).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét